Nhân hòa - Dự trù khi biến cố - Đón sóng để tăng trưởng
Thiên thời đã rõ - Địa lợi đã chọn - Giờ ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho sự nghiệp?
Mình muốn viết nhiều về chủ đề này. Tuy nhiên nội trong series bài viết, mình sẽ chia sẻ 2 thứ mà mỗi người có thể áp dụng được luôn để có thể áp dụng luôn cho thời điểm hiện tại. Không dài dòng, vào việc luôn. Lười viết mở đầu dài quá.
Lương bổng - Phúc lợi - Thông tin bên trong của mỗi công ty trong mỗi giai đoạn
Mức lương và chế độ đãi ngộ của mỗi công ty không cố định mà thường thay đổi theo chu kỳ phát triển của doanh nghiệp cũng như tình hình kinh tế chung. Khi nền kinh tế tăng trưởng, các công ty có xu hướng chi mạnh tay hơn để thu hút và giữ chân nhân tài. Ngược lại, trong giai đoạn suy thoái hoặc tái cơ cấu, chính sách lương thưởng có thể bị siết chặt.
Vì vậy, khi tìm kiếm bến đỗ mới, bạn nên chú ý đến:
Xu hướng thị trường: Mức lương chung của ngành đang tăng hay giảm? Công ty có đang trong giai đoạn mở rộng hay thu hẹp?
Chu kỳ kinh doanh của công ty: Nếu công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ có thể trả lương thấp hơn nhưng bù lại là cổ phần hoặc cơ hội thăng tiến. Còn ở những tập đoàn lâu đời, mức lương có thể cao nhưng tốc độ tăng chậm hơn
Chính sách phúc nội bộ: Một số doanh nghiệp có chiến lược chi mạnh vào lương cơ bản, trong khi số khác lại tập trung vào phúc lợi như bảo hiểm, thưởng hiệu suất hay chính sách làm việc linh hoạt, chính sách ưu đãi cho nhân viên khi mua sản phẩm. Ngoài ra còn có những phúc lợi khác như phát triển bản thân, khóa học công ty sẵn sàng chi trả, công cụ hỗ trợ… Đừng bỏ sót thứ gì - Đừng ngần ngại thương thảo. Nhiều lúc bạn sẽ ngạc nhiên về sự thoáng tay của các công ty ở thời kì phục hồi hoặc thịnh vượng đó.
Ví dụ mình chọn công ty và được đi quẫy nhạc đã chia sẻ trong bài viết nàyViệc nhảy job trong những lúc Tăng trưởng và Thịnh vượng, cũng cần phải chuẩn bị cho mình một lối đi dự phòng. Trong trường hợp mình vừa sang công ty mới với bao hứa hẹn mà kinh tế bị khủng hoảng và đối diện với lay off, công ty có chính sách gì không? Trước khi nhảy việc, các bạn có thể thương thảo điều này, đề nghị trong hợp đồng giấy trắng mực đen. Đừng chủ quan mà hụt chân bạn nhé.
Có trường hợp bạn mình mình nhận được offer của một công ty mới sang xịn mịn, phúc lợi lương cao ngút, được pass 2 tháng thử việc vì kinh nghiệm và thành tích làm việc cuẩ bạn. Tuy nhiên, không một lời đảm bảo về chuyện cắt giảm.
Sau 2 tháng làm việc, bạn nằm trọng diện đội nón ra đi. Không phải vì bạn làm kém, mà vì suy thoái đến nhanh quá, công ty hoảng loạn tinh gọn lại nhanh nhất có thể. Lúc mời bạn vào bao điều hứa hẹn, lúc cắt bỏ thì nhanh hơn cơn gió.
Những tình huống này thật đáng tiếc.Thông tin tại nơi làm việc liên quan đến ngành: Đây là điều mọi người rất hay bỏ qua. Khi bạn đang làm trong một công ty, một ngành, có rất nhiều thông tin bạn có thể được hưởng lợi.
Một trong những người bạn của mình làm trong ngành FMCG. Bạn có thông tin một dòng sản phẩm tốt sẽ được ra mắt. Đồng thời đó cũng là dịp cuối năm khi khách hàng chi tiêu mạnh tay hơn cho toàn ngành. Bạn đã đợi cơ hội điều chỉnh của chứng khoán của công ty (và của toàn ngành) để có thể kiếm được một khoản tiền nho nhỏ đáp ứng cho việc học của bạn.Hay bản thân mình khi làm trong ngành, cũng sẵn sàng cược với Sếp một bữa ăn linh đình rằng số mới sẽ về cuối năm 2024. Không ai tin vì ‘thấy bảo là nền kinh tế đang suy thoái’. Đến giữa năm số vẫn chưa về, Q3 chưa về nhưng bất ngờ chưa, Q4 số của bên mình về vì ngân hàng giảm lãi suất. Tin tức ngân hàng giảm lãi suất (hoặc có dự định giảm lãi suất) đã được công bố ở Google từ đầu năm rồi. Mất công tìm kiếm chút là được bữa lẩu rồi.
Thông tin ở quanh ta. Các bạn không nhất thiết phải là thiên tài toán học hay nhà đầu tư đại tài để có thể nhanh chân chen vào thị trường. Hãy bắt đầu từ những gì bạn biết, bạn làm hàng ngày, bạn tiếp xúc, rồi từ đấy xem những thông tin mình có, mình xài được vào điều gì. Mất công phân tích biểu đồ làm chi.Đây là ví dụ dành cho những bạn đang đi làm công ty. Đối với những bạn làm freelance, Solo entrepreneur, kinh doanh SME… cũng có thể tận dụng Thiên thời - Địa lợi để mình có chuẩn bị tốt nhất - Mình sẽ viết bài chi tiết dành cho các bạn sau nha.
Mình hay bạn mình, hay học viên của mình, cũng chỉ là người bình thường. Không quá nổi bật, không quá xuất sắc, cũng chả phải ông nọ bà kia. Chúng mình biết tận dụng luồng thông tin mà ngày nào cũng đập vào mặt để suy đoán và đưa ra quyết định thôi.
Khi mình biết mình muốn làm gì - khi nào - ở đâu, những thông tin và kĩ năng bạn góp nhặt được sẽ trở thành lợi vế trong bất kì trường hợp nào.
Các bộ kỹ năng chuyển đổi - Đi đâu cũng xài được
Trong thời đại công nghệ và thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, những kỹ năng mang tính chuyển đổi (transferable skills) là yếu tố giúp bạn dễ dàng thích nghi và nắm bắt cơ hội mới. Đây là những kỹ năng có thể áp dụng được ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp bạn không bị bó buộc vào một công việc hay một ngành nghề cố định.
Đặc biệt với nhóm mới ra trường, các bạn hay thắc mắc là nên học cái gì - Mình gợi ý là nên học về Bộ kĩ năng Chuyển đổi. Vì có như vậy, các bạn sẽ dẻo dai và thích nghi được với nhiều môi trường trong lúc trải nghiệm hơn. Kiến thức chuyên cũng sẽ cần nên mình cứ lựa nguồn lực và thời gian để phát triển nhé.
Một số nhóm kỹ năng chuyển đổi (chưa phải tất cả) bao gồm:
Kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết - Cái này thì… đi đâu cũng cần nên khỏi nói nhiều nha. Dù có sự phát triển của AI đi nữa, 4 kỹ năng này vẫn luôn là ưu tiên số 1 của mình để phát triển.
Kỹ năng tư duy & giải quyết vấn đề
Khả năng tư duy phản biện, phân tích tình huống và đưa ra giải pháp là nền tảng giúp bạn thích ứng trong nhiều vai trò khác nhau.
Ví dụ: Từ một nhân viên tài chính, bạn có thể dễ dàng chuyển sang quản lý dự án nếu giỏi phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định chiến lược.
Kỹ năng giao tiếp & đàm phán
Dù bạn làm trong ngành nào, khả năng giao tiếp hiệu quả, thuyết phục người khác và đàm phán lợi ích luôn là lợi thế lớn.
Kỹ năng này giúp bạn linh hoạt chuyển từ công việc bán hàng sang quản lý khách hàng, từ marketing sang phát triển sản phẩm.
Kỹ năng công nghệ & số hóa
Biết cách sử dụng các công cụ công nghệ, từ phần mềm văn phòng đến AI hay phân tích dữ liệu, giúp bạn dễ dàng thích nghi trong môi trường số hóa.
Một nhân sự hành chính biết sử dụng phần mềm tự động hóa có thể chuyển hướng sang quản lý vận hành hoặc quy trình.
Việc nhận diện rõ mình đã có những kĩ năng nào, cần phát triển kĩ năng chuyển đổi gì… sẽ giúp bạn đỡ mất thời gian, công sức, và tiền bạc trong quá trình phát triển. Không nhất thiết phải chạy theo những khóa học mới nhất, nghe fancy nhất, để rồi nhận ra mình đã có kĩ năng đó và chỉ thiếu bối cảnh thực hành.
Dù bạn là nhân viên văn phòng, freelancer hay chủ doanh nghiệp nhỏ, việc nắm bắt thông tin, hiểu rõ chu kỳ kinh doanh và trang bị các kỹ năng chuyển đổi sẽ giúp bạn tối ưu hóa lợi ích trong sự nghiệp. Thay vì chỉ tập trung vào mức lương, hãy nhìn xa hơn để đánh giá tổng thể những giá trị mà công ty mang lại và tận dụng những cơ hội xung quanh. Khi bạn biết mình muốn gì và chuẩn bị đủ hành trang, mọi sự thay đổi đều có thể trở thành bệ phóng giúp bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Lý do mình viết Serie 3 bài Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa là vì sự nghiệp là một phần của Tài chính - Cá nhân, không thể tách ra được. Tài chính - Cá nhân không chỉ là câu chuyện budgeting những con số, tiết kiệm sao cho thật nhiều, hay đầu tư bách phát bách trúng. TCCN là một hành trình bao quát các khía cạnh Tài chính và Cá nhân gồm: Chi tiêu - Bảo vệ - Đầu tư - Sự nghiệp - Vay mượn.
Một lần nữa hỡi các bạn làm Freelance, làm riêng… mình sẽ ráng viết riêng cho các bạn một số điều mình đã và đang vận dụng cho việc làm kinh doanh của mình. Mình không quên đâu. Chờ xíii
Hy vọng qua 3 bài viết, các bạn có thể an tâm hơn một phần khi mình có những kế hoạch Sự nghiệp cho riêng mình. Để bạn có cái nhìn tổng quát, mình để lại link 2 bài viết về
Thiên thời - Nền kinh tế Vĩ mô:
Thiên thời - Kinh tế vĩ mô và câu chuyện layoff
- Công ty tao lại có một đợt nhân sự mới vào nhưng hôm qua, lại thấy những người đồng nghiệp cũ đội nón ra đi rồi. Quái lại
Địa lợi - Chọn công ty
Địa lợi - Chọn công ty - Nơi trú bão hay nơi hưởng lợi
Trong bài trước, mình đã nói về Thiên thời – Nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sự thịnh suy của các ngành nghề. Nếu thông điệp bài trước là hãy xác định nền kinh tế đang ở đâu, sắp tới thế nào để mình chuẩn bị cho sự nghiệp của mình (vì damn, chu kì có tính chất lặp lại mà?) Thì với bài này, hãy cùng xem chúng ta có thể cắm rìu ở đâu để chọn đất tu thân.