Kỉ niệm đầu tiên về Tiền - Core Memory định hình góc nhìn về tài chính
Câu chuyện có thật và đến giờ vẫn là kí ức đầu tiên về việc kiếm tiền của mình. Sẽ viết bài khác nếu nhớ ra sự kiện khác.
Việc thực hành tài chính cá nhân không chỉ gói gọn trong những con số, hay việc đầu tư lãi kép lãi đơn. Nó còn nằm trong việc hiểu rõ mối quan hệ của mình với tiền nong, từ đó kết nối con người của mình tới những con số vô tri.
Mình vẫn hay nói với học viên rằng phần Tài chính trong TCCN nó dễ lắm. Bạn chỉ cần biết cộng trừ là xong rồi. Tuy nhiên để kết quả của sự cộng trừ đó khiến bạn an tâm, thì phần “cá nhân”, “cảm xúc”, những thứ thuộc về con người mới là điều các bạn cần phải ngồi lại.
Chúng ta sống và lớn lên từ bé, tiền đã xuất hiện. Chúng ta được bố mẹ bảo tiền là tờ giấy có mặt bác Hồ dùng để mua đồ ăn. Sau này tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa, chúng ta lại thấy tiền còn được dùng để mua chiếc cặp mới nhất, món quà sinh nhật cho bạn, siêu nhân, búp bê…. Rồi những bài vẫn bài vè truyền tai nhau như: Tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là mối lo của tuổi trẻ, là gánh nặng của tuổi già… cứ thế dần dần chúng ta có một mối quan hệ love - hate với những tờ giấy đó.
Những định kiến từ đó quanh những thứ gọi là tiền, tài sản, tài chính… Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi: Kỉ niệm đầu tiên của mình khi tiếp xúc với tiền là gì chưa? Từ khi nào hay kỉ niệm nào là trí nhớ core memory giúp mình định hình nên thế giới quan về tiền? Liệu những bài học của trí nhớ đó cần được học lại, sửa đổi, duy trì?
Đối với mình, kỉ niệm đầu tiên của mình đó chính là khi mình tự doanh hồi lớp 5. Chuyện là hồi đó, mình học cũng khá, nên mẹ hay chở mình đi nhà sách Nhi Đồng để mua Doraemon. Mỗi tuần 1 quyển. Sau 1 học kì, mình đã có một tủ sách toàn truyện tranh để có thể khoe với lũ bạn. Mình hay mang truyện vào lớp để đọc và để làm màu. Giờ nhớ lại, đấy chính là lần đầu mình nhớ: Có tài sản = Việc được mọi người yêu quý.
Vì hồi đó, truyện tranh là thứ giải trí của lũ nhóc. Nên ai có truyện, người đó có quyền. Muốn được ăn bim bim? Cho bạn mượn truyện. Muốn không bị mách cô? Cho bạn mượn truyện. Muốn cái gì, thì cũng là cho mượn truyện hết. Truyện tranh dường như trở thành một vật có giá trị mang ra để trao đổi.
Mượn thôi chưa đủ. Mình muốn hơn. Mình muốn chủ động ăn nhiều bim bim hơn, chủ động mua ô mai và các đồ chơi khác. Thế rồi, mình cho thuê truyện. 500đ một ngày. Nếu các bạn cùng thời với mình thì chắc hẳn sẽ biết, 500đ - 2000đ là đã đủ mua ê chề đồ ăn vặt ở cổng trường rồi.
Mình mạnh dạn gom 10 cuốn truyện, đem đến lớp. Cho thuê 500đ một quyển, một ngày. Có ghi sổ đàng hoàng. Ai thuê gì, trả bao nhiêu, ghi lại hết. Đến cuối ngày, mình trả cho một đứa bạn 500đ để nó đi thu lại truyện và đòi nợ cho mình. Doanh nghiệp của mình đã có buổi khai trương hồng phát. Số truyện cho thuê hết sạch. 5000đ trừ 500đ tiền thuê nhân viên là 4.500đ vào túi. Very stonk.
Sau 1 tháng, số truyện quay vòng cho cả lớp thuê cũng hết. Mình lấy tiền tái đầu tư, mua thêm Conan, Thần đồng Đất Việt để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu, mở rộng kinh doanh sang các lớp khác. Sản phẩm đa dạng hơn, khách cũng nhiều hơn, nhân viên cũng đông hơn. Nói chung, hồi đấy, giàu, dư giả. Tiền dư mình mua yo yo, mua cá nướng, ô mai, cho bạn bè… Từ đó, nó hình thành tính cách xông xênh của mình đối với các mối quan hệ.
Đến lớp, mình là một thương gia. Về nhà, tuyệt nhiên không ai biết. Không hiểu sao lúc đó mình có một sự lấp liếm, giấu diếm với gia đình về doanh nghiệp nhỏ của mình. Có thể mình thấy xấu hổ khi mình không mất tiền hàng mà vẫn kiếm ra lợi nhuận (thì truyện mẹ mua ban đầu chứ có phải của mình đâu). Cũng có thể, mình sợ lộ ra thì doanh nghiệp chui sẽ bị đóng cửa. Không biết nữa, lúc đấy giấu nhẹm.
Cây kim trong bọc cũng có ngày lộ ra. Bà mình phát hiện xấp tiền lẻ của mình trong chiếc ví giấy. Bà tra hỏi tiền ở đâu ra, sao mà có được. Mình cũng trả lời thành thật. Tưởng rằng nói thật thì sẽ được tha, nhưng bà bảo mình: Tiền của các bạn là do bố mẹ cho. Mình làm thế là sai vì đó không phải tiền của các bạn. Ngoại yêu cầu mình trả lại tiền cho các bạn.
Lúc đấy mình mâu thuẫn dzữ lắm. Mình cũng kiếm một cách trong sạch, không lừa lọc ai. Cũng bỏ công bỏ sức nghiên cứu thị hiếu, bảo vệ tài sản, thuê nhân viên… Mà giờ bảo trả lại, đóng tiệm thì uổng quá. Điều đó lần nữa khẳng định về một thông điệp không mấy đúng đắn là chuyện tiền nong là phải giấu, người ngoài biết, kiểu gì cũng phiền.
Cuối cùng, sau khi cả nhà biết, mình phải đóng cửa doanh nghiệp vì không được mang quá 2 quyển truyện đến trường. Doanh nghiệp bị giải thể. Quyền lực biến mất, danh hiệu con buôn cũng từ đó mà đi. Mình không trả lại tiền mà nhớ là mua rất nhiều đồ ăn vặt để mời lại khách quen, những bạn mình thuê và một số thành phần khác.
Sau này thì mình cho thuê truyện chữ và buôn bán thẻ hiếm của Poca nhưng đó là câu chuyện khác. Đó có lẽ là những tiếp xúc đầu tiên của mình về tiền. Kí ức đã hình thành cho mình góc nhìn về sự trao đổi, nhờ vả và trả công, thoải mái với bạn bè khi dư giả nhưng đồng thời nó cũng khiến mình ít nói chuyện tài chính với gia đình mình vì sợ bị đánh giá.
Những cái tốt, thì mình vẫn duy trì. Riêng chuyện giao tiếp thì phải mất một thời gian rất dài để mình có thể cởi và trao đổi thẳng thắn với gia đình. Nếu có thể quay lại lúc đấy, mình chỉ mong mình nói chuyện trước với bố, để bố truyền lại nghề cho mình (vì mãi sau mình mới biết bố mình là doanh nhân). Nếu lúc đó mạnh dạn hơn một chút, thì có lẽ giờ mình đang buôn bất động sản chứ không buôn chữ như giờ rồi.
Mình khuyến khích mọi người xung quanh hãy nhớ lại những kí ức xưa xửa xừa xưa như vậy để có thể xem lại niềm tin về tiền của mình đã được nhen nhóm ở đâu, được định hình thế nào. Như đã nói ở trên, cái nào tốt thì mình duy trì, nuôi dưỡng. Cái nào thấy bất ổn thì mình sửa và thay thế từ từ. Đừng để những kí ức xưa định hình tương lai của mình.